Năm 2013, TAND hai cấp đã thụ lý 7.365 vụ án các loại, tăng 1.024 vụ so cùng kỳ; giải quyết bằng các hình thức 6.022 vụ, đạt 81,77%. Án bị hủy của TAND hai cấp có giảm so cùng kỳ - giảm 12 vụ (năm 2012 bị hủy 67 vụ, chiếm 1,3%; năm 2013 hủy 55 vụ, chiếm tỷ lệ 0,91%) nhưng án bị sửa tăng khá cao - tăng 48 vụ (năm 2012 bị sửa 94 vụ, chiếm 1,82%; năm 2013 bị sửa 142 vụ, chiếm 2,36%). Trong đó, đáng lưu ý là án bị hủy của TAND tỉnh chiếm tỷ lệ khá cao và tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ (năm 2012 bị hủy 10 vụ, chiếm 1,06%; năm 2013 bị hủy 19 vụ, chiếm 2,61%).

Nhiều đại biểu quan tâm đến vấn đề án bị hủy, bị sửa

Theo báo cáo, nguyên nhân là do lượng án thụ lý và đưa ra giải quyết bằng các hình thức so với cùng kỳ tăng khá cao. Tuy nhiên, qua công tác giám sát cho thấy, còn có nguyên nhân từ ý thức, trách nhiệm của một số thẩm phán, chưa tích cực trong việc giải quyết án; có nơi lượng án tăng không nhiều, nhưng án quá hạn luật định vẫn còn xảy ra. Điều đáng quan tâm là hầu hết án bị sửa, bị hủy do lỗi chủ quan của thẩm phán; có trường hợp Tòa phúc thẩm (TAND tỉnh) sửa bản án dân sự sơ thẩm thiếu căn cứ, thiếu tính thuyết phục; tình trạng một số bản án, quyết định tuyên không rõ, có sai sót, khó thi hành án vẫn còn xảy ra; về thực hiện thẩm vấn, tranh tụng tại phiên tòa theo tinh thần Nghị quyết 08 và Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp vẫn còn hạn chế.

Về chất lượng xét xử đạt còn thấp (đạt 81,77%); số lượng án chưa đưa ra xét xử còn nhiều (chiếm 18,2% so với số thụ lý), án quá hạn luật định còn xảy ra (07 vụ). Theo báo cáo của Chánh án TAND tỉnh nêu những hạn chế trên là do thiếu thẩm phán, án tăng nhanh gây áp lực cho ngành, lãnh đạo đơn vị thiếu kiểm tra, đôn đốc; do án có tính chất phức tạp; một số thẩm phán hạn chế về năng lực, còn chủ quan trong việc đánh giá chứng cứ… Đại biểu cho rằng ngoài nguyên nhân nói trên còn có nguyên nhân từ công tác quản lý, giáo dục và công tác tổ chức cán bộ; việc rèn luyện nâng cao phẩm chất, đạo đức của một số cán bộ, công chức bộ ngành Tòa án, trong đó có thẩm phán chưa tốt. Có một số bản án không phức tạp nhưng việc nhận định, phán quyết trong một số trường hợp không chính xác, thiếu khách quan, làm thiệt hại đến quyền và lợi ích chính đáng của đương sự, gây mất lòng tin của nhân dân. Những tồn tại, hạn chế này đã kéo dài nhiều năm, nhưng việc khắc phục còn chậm.


Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát hoạt động xét xử tại Tòa án nhân dân huyện Ngọc Hiển năm 2013

Đại biểu HĐND tỉnh đề nghị Chánh án TAND tỉnh cần phải nhìn nhận, đánh giá và đề ra giải pháp khắc phục hiệu quả. Trong đó, đặc biệt quan tâm, chú trọng hơn đến công tác xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ; đánh giá chất lượng, phẩm chất, đạo đức của đội ngũ cán bộ của ngành để có biện pháp tăng cường công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ làm công tác xét xử; có biện pháp làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với các trường vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp để tăng cường kỷ cương; phải có giải pháp chấn chỉnh, khắc phục hiệu quả hơn, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, mỗi thẩm phán khi xét xử phải thận trọng, chính xác, công tâm để không ngừng nâng cao chất lượng xét xử. Chánh án TAND tỉnh có kế hoạch đẩy nhanh tiến độ xét xử các loại án đảm bảo thời gian, chất lượng, hạn chế án tồn đọng, án quá hạn luật định và án bị hủy, bị sửa... Bên cạnh đó, chú trọng hơn đến công tác cán bộ và Hội thẩm nhân dân, để đảm bảo cho hoạt động xét xử.

Phạm Ngọc

Nhận xét

Bài liên quan